Truyện ngắn: Thư viện Babel (Jorge Luis Borges)

Bằng nghệ thuật này, bạn có thể chiêm ngưỡng sự biến hoá của hai mươi ba mẫu tự…Giải phẫu U sầu, phần 2, đoạn II, hồi IV

Vũ trụ (mà người khác gọi là Thư viện) bao gồm một lượng không xác định và có lẽ là vô hạn các phòng trưng bày hình lục giác, với những tháp thông khí đồ sộ xen giữa, bao quanh bởi hàng lan can thấp tè. Từ bất kỳ lục giác nào người ta cũng đều thấy được vô hạn những tầng phía trên và dưới. Các phòng trưng bày được bố cục không đổi. Hai mươi kệ, dài năm kệ mỗi mặt, phủ tất cả các mặt ngoại trừ hai mặt; chiều cao của chúng, là khoảng cách từ sàn đến trần, hiếm khi vượt quá chiều cao của một tủ sách thông thường. Một trong hai mặt tự do dẫn tới một hành lang hẹp mở ra một phòng trưng bày khác, giống hệt phòng đầu tiên và tất cả phần còn lại. Bên trái và phải của hành lang có hai căn buồng rất nhỏ. Buồng thứ nhất là nơi ai đó có thể ngủ đứng bên trong; buồng kia giúp thoả mãn nhu cầu đại tiện của ai khác. Cũng thông qua hành lang băng tới một cầu thang xoắn, sâu xuống vô cùng và vút lên cao vời nhằm tách biệt các khoảng không. Trong hành lang có một tấm gương nhân bản trung thực mọi diện mạo. Con người thường suy ra từ tấm gương này rằng Thư viện chẳng phải vô hạn (nếu nó thực sự (vô hạn) như thế, tại sao lại có sự nhân bản viển vông này?); tôi những muốn tin rằng bề ngoài bóng bẩy của nó đặc trưng và hứa hẹn sự vô hạn… Ánh sáng được cấp bởi một số trái hình cầu mang tên là đèn. Có hai cái, đặt đối nhau, trong mỗi hình lục giác. Chúng toả ra ánh sáng mờ mờ không dứt.

Giống như tất cả con người trong Thư viện, tôi từng du ngoạn thời trẻ tuổi; tôi lang thang kiếm tìm một cuốn sách, có lẽ là cuốn danh mục của các danh mục; giờ đây mắt tôi khó có thể giải mã những gì mình viết, tôi chuẩn bị chết đi chỉ cách vài lý từ phòng lục giác mà tôi ra đời. Một khi tôi chết, sẽ không thiếu những bàn tay ngoan đạo ném tôi qua lan can; mộ phần tôi là không khí vô lượng; cơ thể tôi chìm vào bất tận và phân hủy và tan biến trong cơn gió sinh ra từ cú rơi vô hạn. Tôi nói rằng Thư viện trường tồn. Nhà duy tâm cho hay những căn phòng lục giác là một dạng cần thiết của không gian tuyệt đối hoặc ít nhất, của trực giác chúng ta về không gian. Họ lý luận một căn phòng tam giác hay ngũ giác là không tưởng. (Những người thần bí tuyên bố trạng thái xuất thần nhập định hé lộ cho họ một khoảng hình tròn chứa một cuốn sách vĩ đại hình tròn, có gáy sách liên tục và men theo bức tường trọn vẹn thành hình tròn; nhưng lời chứng của họ đáng ngờ còn từ ngữ thì tối nghĩa. Quyển sách tuần hoàn đó là Chúa.) Giờ đây đã đến lúc tôi lặp lại châm ngôn kinh điển: Thư viện là một hình cầu có tâm chính xác là bất kỳ lục giác nào của nó và có chu vi vô hạn.

Mỗi bức tường lục giác có năm kệ; mỗi kệ chứa ba mươi lăm cuốn sách khổ đồng nhất; mỗi cuốn bốn trăm mười trang; mỗi trang bốn mươi dòng; mỗi dòng tám mươi mẫu tự màu đen. Ngoài ra còn có các mẫu tự trên gáy sách; những mẫu tự này không chỉ ra hay định hình trước những gì các trang sẽ nói. Tôi biết sự ngắc ngứ đó đã có lúc dường như bí hiểm. Trước khi tóm lược lời giải (mà khám phá của nó, mặc cho phô ra những bi kịch, có lẽ là sự thật chính yếu trong lịch sử) tôi muốn gợi lại vài tiên đề.

Thứ nhất: Thư viện tồn tại ab aeterno. Sự thật này, hệ quả trước mắt là tương lai vĩnh hằng của thế giới, không thể bị nghi ngờ bởi bất kỳ đầu óc bình thường nào. Con người, người thủ thư bất toàn, có thể là sản phẩm đầy ác ý hay tình cờ của tạo hoá; vũ trụ, với những kệ sách thanh nhã, những tập sách bí ẩn, những bậc thang vô tận cho khách lãng du và những nhà xí cho thủ thư an toạ, chỉ có thể là tạo vật của thần. Để hiểu được khoảng cách giữa thần thánh và người phàm, đủ để đối sánh những biểu tượng thô thiển chập chờn mà đôi bàn tay run rẩy này của tôi nguệch ngoạc trên bìa một cuốn sách, với những mẫu tự hữu cơ bên trong chúng: ngăn nắp, tinh tế, màu đen tuyệt hảo, cân đối không thể bắt chước được.

Thứ hai: Các ký hiệu chính thống có số lượng là hai mươi lăm.¹ Ba trăm năm trước, phát hiện này giúp hình thành nên một lý thuyết chung khả dĩ về Thư viện và giải quyết thoả đáng vấn đề mà không một phỏng đoán nào giải mã được: bản chất bất định và hỗn độn của hầu hết các cuốn sách. Cha tôi đã thấy một quyển trong một lục giác tại chu trình một năm chín tư được tạo thành từ các chữ cái M C V, ương ngạnh lặp đi lặp lại từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng. Một quyển khác (được tham khảo rất nhiều trong vùng này), đơn thuần là mê cung các ký tự, song trang áp chót nói Ôi thời kim tự tháp của ngươi. Điều này nhiều người đã biết: với mỗi dòng trình bày đơn giản dễ hiểu, sẽ kèm một lô những lộn xộn vô nghĩa, từ ngữ lung tung và rời rạc. (Tôi biết một miền hoang vu nơi các thủ thư khước từ tục lệ rỗng tuếch và mê tín trong việc kiếm tìm ý nghĩa những cuốn sách và đánh đồng nó với việc tìm kiếm ý nghĩa những giấc mơ hay nơi đường chỉ tay hỗn loạn của ai đó… Họ thừa nhận rằng những nhà phát minh ra chữ viết đã bắt chước hai mươi lăm biểu tượng tự nhiên, song vẫn khẳng định rằng sự ứng dụng đó chỉ là ngẫu nhiên và rằng những cuốn sách chẳng báo hiệu bất cứ điều gì về chính bản thân họ. Tuyên bố này, chúng ta sẽ thấy, không hoàn toàn sai.)

Xem thêm:  Guardian Goddess – Tựa game nhập vai thể loại Idle chính thức mở đăng ký trước

Trong một thời gian dài người ta tin những cuốn sách không thể lĩnh hội này tương ứng với những ngôn ngữ xa xăm hay quá vãng. Quả đúng là những người cổ xưa nhất, những thủ thư đầu tiên, sử dụng thứ ngôn ngữ khác biệt khá nhiều so với thứ chúng ta nói hiện nay; quả đúng là đi vài dặm sang bên phải tiếng nói đã mang nét phương ngữ và rằng chín mươi tầng xa phía trên, là không thể hiểu được. Tất cả chuyện này, tôi nhắc lại, là đúng, nhưng bốn trăm mười trang M C V bất biến không thể tương ứng với bất kỳ ngôn ngữ nào, bất kể là phương ngữ hay ngôn ngữ đơn sơ đến thế nào chăng nữa. Vài người bóng gió rằng mỗi ký tự có thể ảnh hưởng đến ký tự đứng sau và giá trị của M C V ở dòng thứ ba trang bảy mốt không phải là giá trị của cùng chuỗi đó ở một vị trí khác trên một trang khác, nhưng luận điểm mập mờ này không chiếm ưu thế. Những người khác liên tưởng đến mật mã; nói chung, phỏng đoán này được chấp nhận, mặc dù không phải theo nghĩa mà những người khởi xướng nó đưa ra.

Năm trăm năm trước, chủ quản một phòng lục giác tít trên cao² bắt gặp một cuốn sách khó hiểu như những cuốn khác, song có gần hai trang chứa những dòng thuần nhất. Anh ta đưa phát hiện của mình cho một người giải mã lang bạt, người ấy nói với anh những dòng đó viết bằng tiếng Bồ Đào Nha; những người khác cho rằng chúng là tiếng Yiddish. Ngôn ngữ đó đã được xác minh trong vòng một thế kỷ: một phương ngữ của sắc dân Samoyed Lithuania xứ Guarani, biến tấu thêm với tiếng A Rập cổ. Nội dung cũng được giải mã: một số khái niệm phân tích tổ hợp, minh họa bằng các ví dụ biến thiên vô hạn tuần hoàn. Những ví dụ đó có thể đã giúp một thủ thư thiên tài khám phá ra quy luật cơ bản của Thư viện. Nhà tư tưởng ấy nhận xét rằng tất cả các cuốn sách, bất kể chúng có đa dạng đến đâu, đều được tạo thành từ các yếu tố giống nhau: dấu cách, dấu chấm, dấu phẩy, hai mươi hai ký tự trong bảng chữ cái. Ông cũng dẫn ra một sự thật được các nhà du hành xác nhận: Trong Thư viện vô biên không có hai cuốn sách giống hệt nhau. Từ hai tiền đề không thể chối cãi này, ông suy ra rằng Thư viện là tuyệt đối và các kệ của nó ghi lại tất cả các tổ hợp khả dĩ của hai mươi có lẻ mẫu tự chính thống (một con số, mặc dù vô cùng lớn, nhưng không vô hạn): nói cách khác, là tất cả những gì có thể biểu đạt được, trong mọi ngôn ngữ. Mọi thứ: lịch sử tương lai chi li cặn kẽ, tự truyện của tổng lãnh thiên thần, danh mục chân thực của Thư viện, hàng ngàn và hàng ngàn danh mục giả, văn bản chứng minh tính ngụy tạo của những danh mục (giả) đó, văn bản chứng minh tính ngụy tạo của những danh mục thật, phúc âm phái Ngộ đạo theo Basilides, diễn giải phúc âm đó, diễn giải về diễn giải phúc âm đó, câu chuyện chuẩn xác về cái chết của anh, bản dịch mọi cuốn sách trong tất cả các ngôn ngữ, kết luận nội suy mọi cuốn sách từ tất cả các cuốn sách, luận thuyết Bede đáng lẽ viết được (nhưng không viết) về thần thoại của người Saxon, những cuốn sách thất truyền của Tacitus.

Khi người ta tuyên bố Thư viện chứa tất cả mọi cuốn sách, cảm tưởng đầu tiên là niềm hạnh phúc tột độ. Người ta cảm thấy mình là chủ nhân của một kho tàng tinh nguyên và bí mật. Chẳng có vấn đề cá nhân hay thế giới nào mà không tồn tại giải pháp thuyết phục trong những phòng lục giác nào đó. Vũ trụ được minh định, vũ trụ đột nhiên soán ngôi vô hạn chiều kích của hy vọng. Lúc đó nhiều người xôn xao về bộ Biện minh: những cuốn sách biện hộ và tiên tri mà biện minh cho mọi hành vi ở mọi thời điểm của mọi người trong vũ trụ và giữ lại những mật ngữ phi thường cho tương lai anh ta. Hàng ngàn kẻ tham lam đã từ bỏ phòng lục giác ngọt vị quê hương rồi lao lên cầu thang, bị thôi thúc bởi ý định sáo rỗng là tìm kiếm bộ Biện minh cho riêng mình. Những kẻ hành hương này ẩu đả trong hành lang hẹp, lập ra những lời nguyền tối tăm, bóp cổ nhau trên cầu thang thánh, liệng những cuốn sách dối trá vào tháp thông khí, bắt gặp cái chết theo cách tương tự của chính mình gây ra bởi những cư dân miền xa lạ. Những người khác phát điên lên… Bộ Biện minh có tồn tại (tôi bắt gặp hai cuốn nói về những con người tương lai, những người có lẽ không chỉ là tưởng tượng) nhưng những kẻ truy tìm quên mất rằng khả năng một người tìm thấy Biện minh của anh ta, hay vài biến thể sai lạc của nó, gần như bằng không.

Xem thêm:  Nhận Quân Huy Miễn Phí 2023, Nhận 1000 5000 10000 QH Free

Thời điểm đó, người ta cũng hy vọng những bí ẩn cơ bản của nhân loại – nguồn gốc Thư viện và thời gian – có thể được khám phá tường tận. Có vẻ thật sự những bí ẩn quan yếu này có thể được giải thích bằng lời: nếu ngôn ngữ của các triết gia không đủ, thì Thư viện đa tầng sẽ tạo ra thứ ngôn ngữ cần thiết mà chưa ai biết đến, cùng với từ vựng và ngữ pháp của nó. Trong bốn thế kỷ tới nay con người đã dốc cạn các lục giác… Có những viên chức chuyên tìm kiếm, những thanh tra. Tôi từng thấy họ thi hành công vụ: họ luôn mỏi mệt quá độ sau chuyến công tác; họ nói một cầu thang bị hỏng gần như giết chết mình; họ chuyện trò với thủ thư ở các phòng trưng bày và cầu thang; đôi khi họ nhặt quyển gần nhất và lướt qua nó, tìm kiếm những từ nổi tiếng. Rõ ràng là chẳng ai hoài mong khám phá ra bất cứ điều gì.

Lẽ tự nhiên, hy vọng mong manh này kéo theo sự chán nản quá mức. Chắc chắn rằng một số kệ nào đó trong lục giác nào đó chứa những tàng thư và những tàng thư này chẳng thể với tới được, chuyện đó dường như không thể chấp nhận nổi. Một giáo phái báng bổ đề xuất nên dừng các cuộc tìm kiếm lại rồi mọi người nên ghép các chữ cái và biểu tượng cho đến khi hoàn thành chúng, những cuốn sách quy chuẩn ấy, bằng sự may rủi viển vông nào đó. Nhà chức trách buộc phải ban hành các mệnh lệnh hà khắc. Giáo phái giải tán, nhưng thời thơ ấu, tôi đã thấy mấy ông già, những người một thời gian dài trốn trong nhà xí với mấy cái đĩa kim loại cùng mấy cái ly xí ngầu bị cấm và yếu ớt bắt chước sự hỗn loạn thần thánh.

Ngược lại, những người khác lại quan niệm loại bỏ những công chuyện vô ích là điều bức thiết. Họ thâm nhập vào mấy lục giác, đưa ra các tài liệu không phải khi nào cũng sai lạc, không hài lòng lướt qua một quyển và kết án toàn bộ mọi kệ sách: sự cuồng nhiệt đầy khổ hạnh và dọn dẹp sạch sẽ của họ đã làm diệt vong hàng triệu cuốn sách trong vô nghĩa. Họ bị chửi rủa thậm tệ, nhưng những ai tiếc nuối “kho tàng” bị sự cuồng điên kia hủy hoại đã bỏ qua hai sự thật đáng chú ý. Điều thứ nhất: Thư viện khổng lồ tới mức bất kể sự suy giảm nguồn gốc con người nào đều là vô cùng nhỏ. Điều còn lại: mỗi bản là duy nhất, không thể thay thế, song (vì Thư viện là tuyệt đối) luôn có vài trăm nghìn bản sao lục không hoàn hảo: các tác phẩm chỉ khác nhau ở một chữ cái hoặc một dấu phẩy. Ngược lại với ý kiến chung, tôi mạo muội tin rằng chuyện hạ bệ những Kẻ thanh trừng bị cường điệu lên quá mức hệ trọng bởi nỗi kinh hoàng mà bọn cuồng tín đó gây ra. Họ bị niềm đam mê cố gắng tiếp cận những cuốn sách trong Lục giác Đỏ thôi thúc: những cuốn sách khổ nhỏ hơn bình thường, toàn năng, được minh họa và có sức lôi cuốn.

Thời đó chúng ta còn biết tới một sự mê tín khác: là Người Sách. Trên kệ sách bất kỳ trong lục giác bất kỳ (người ta lý luận) phải tồn tại một cuốn sách làm cách thức và là bản khái lược hoàn hảo của tất cả mọi cuốn còn lại: một thủ thư nào đó đã đọc qua nó và anh ta trông như một vị chúa. Trong ngôn ngữ xứ này, dấu tích của tệ sùng bái viên chức lánh đời ấy vẫn còn dai dẳng. Nhiều người lang thang tìm kiếm Ngài. Trong một thế kỷ, họ hoài công dốc cạn những khu vực đa dạng nhất. Làm thế nào người ta có thể xác định được phòng lục giác thiêng liêng và kín đáo nào là nhà của Ngài? Ai đó đề xuất một phương pháp hồi quy: Để biết vị trí sách A, trước hết tra cứu sách B chỉ dấu vị trí của A; để biết vị trí sách B, trước hết tra cứu sách C, và cứ như vậy đến vô cùng… Tôi đã tiêu hoang và uổng phí những năm tháng đời mình trong những chuyến phiêu lưu như thế. Đối với tôi dường như chẳng có một cuốn sách tuyệt đối nào trên bất cứ kệ sách nào trong toàn cõi vũ trụ;³ tôi nguyện cầu với các vị thần vô danh rằng một người – chỉ cần một thôi, mặc cho tồn tại từ hàng ngàn năm trước! – có thể kinh qua và đọc được nó. Nếu danh dự và trí tuệ và hạnh phúc không dành cho tôi, hãy để chúng dành cho kẻ khác. Hãy để thiên đường tồn tại, dù tôi ngụ chốn địa ngục. Hãy để tôi bị xúc phạm và thủ tiêu, nhưng ngay tắp lự, ngay tức khắc, hãy để Thư viện khổng lồ của Anh được minh định. Những kẻ phản tín duy trì quan niệm rằng vô nghĩa là chuyện thường trong Thư viện và rằng sự hợp lý (mặc cho khiêm nhường và thuần túy mạch lạc) là một ngoại lệ gần như huyền diệu. Chúng nói (tôi biết) về “Thư viện sôi sục, nơi những quyển sách ngẫu nhiên liên tục có nguy cơ biến đổi thành những quyển khác và khẳng định, phủ định rồi nhầm lẫn mọi thứ như một vị thánh mê sảng.” Những từ này, không chỉ vạch mặt sự bệnh hoạn mà còn là ví dụ tuyệt vời, minh chứng thuyết phục cho khẩu vị ghê tởm và đầu óc ngu dốt tuyệt vọng của người nói. Trên thực tế, Thư viện bao gồm tất cả các cấu trúc bằng lời, tất cả các biến thể khả dĩ của hai mươi lăm biểu tượng chính thống, nhưng không phải là ví dụ đơn độc về sự vô nghĩa tuyệt đối. Thật vô nghĩa khi nhận xét rằng quyển hay nhất trong mấy phòng lục giác mà tôi quản lý có tiêu đề Thung lũng Sấm, một quyển khác là Chuột rút Vữa, quyển khác nữa là Axaxaxasmlö. Những cụm từ này, thoạt nhìn không mạch lạc, lại chắc chắn có thể được biện giải theo lối mật ngữ hay ngụ ngôn; sự biện minh như vậy phải bằng lời nói và, ex hypothesi như giả thiết, đã nằm sẵn trong Thư viện. Tôi không thể tổ hợp các mẫu tự nào

Xem thêm:  Starfield: 5 thay đổi cần thiết trong cơ chế chiến đấu

dhcmrlchtdj

mà Thư viện thần thánh lại không lường trước được, mà trong những tiếng bí mật của nó không chứa đựng một ý nghĩa ghê gớm nào. Không ai có thể thốt ra một âm tiết mà không đong đầy dịu dàng và kính sợ, mà không phải là cái tên hùng mạnh của một vị thần trong ngôn ngữ nào đó. Lời vừa mới nói đã rơi vào trùng lặp. Mớ truyền thư dài dòng và vô ích này nằm ở một trong ba mươi lăm quyển của một trong năm kệ của một trong hằng hà sa số các phòng lục giác – và phản đề của nó cũng vậy. (Một tập n hữu hạn các ngôn ngữ sử dụng chung vốn từ; một số trong chúng, cho rằng biểu tượng thư viện thừa nhận định nghĩa chuẩn xác là một hệ thống phòng trưng bày hình lục giác bất biến và trường tồn, nhưng một thư viện hình bánh mì hay kim tự tháp hay bất cứ hình thù nào khác thì bảy* từ đó sẽ chuẩn xác theo những biến thể khác. Anh, người đọc tôi, Anh có chắc rằng mình hiểu được ngôn ngữ của tôi?)

Viết lách có phương pháp khiến tôi xao nhãng khỏi tình hình nhân loại hiện tại. Ắt hẳn rằng mọi thứ được viết ra đều phủ nhận ta hoặc cố biến ta thành bóng ma. Tôi có biết vài quận mà ở đó những người trẻ phủ phục trước sách rồi hôn mấy trang sách theo lối hoang dại, song họ chẳng hề biết giải mã một chữ nào. Dịch bệnh, xung đột tà phái, các cuộc hành hương mà rồi sẽ biến chất thành cướp cạn, đã làm dân số suy sụt. Tôi tin mình đã nói đến những vụ tự tử, ngày càng thường xuyên hơn trong những năm qua. Có lẽ tuổi già và nỗi sợ đã đánh lừa tôi, nhưng tôi ngờ rằng loài người – giống loài độc nhất – sắp sửa bị diệt vong, còn Thư viện sẽ mãi trường tồn: được chiếu sáng, đơn độc, vô tận, bất động tuyệt đối, được trang bị những tập sách quý giá, vô dụng, bất hoại, bí mật.

Tôi vừa viết từ “vô hạn”. Tôi không bỏ tính từ đó ra đây như một thói quen tu từ; tôi muốn nói rằng chẳng hề phi lô-gích khi nói thế giới vô hạn. Những người phán nó hữu hạn mặc định rằng ở những nơi xa mãi hành lang và cầu thang và phòng lục giác có thể mở ra viễn cảnh kết thúc – điều này thật vô lý. Những ai tưởng tượng nó vô hạn quên mất rằng lượng sách khả dĩ như vậy là hữu hạn. Tôi mạo muội đề xuất giải pháp cho vấn đề cổ xưa này: Thư viện là vô hạn tuần hoàn. Nếu một nhà du hành vĩnh viễn băng qua thư viện theo bất kỳ hướng nào, sau nhiều thế kỷ, anh ta sẽ thấy rằng các tập truyện giống nhau được lặp lại theo cùng một cách thức hỗn loạn (do đó sự lặp lại sẽ trở thành trật tự: Trật Tự). Nỗi cô độc của tôi được hoan hỉ nhờ niềm hy vọng cao nhã này.⁴

Hết.

Mar del Plata, 1941

Chú thích:

  1. Bản thảo gốc không có chữ số hoặc chữ viết hoa. Dấu câu giới hạn ở dấu phẩy và dấu chấm. Hai dấu câu, khoảng trắng và hai mươi hai chữ cái trong bảng chữ cái là hai mươi lăm ký hiệu được tác giả vô danh này coi như đủ. (Chú thích của biên tập viên.)
  2. Trước đây, cứ ba phòng lục giác thì có một người. Tự tử và các bệnh phổi đã phá nát tỷ lệ đó. Một kỷ niệm u sầu khôn tả: đôi khi tôi bơ vơ nhiều đêm qua các hành lang và dọc theo những cầu thang bóng bẩy mà không tìm thấy thủ thư nào.
  3. Tôi nhắc lại: chỉ cần sách tồn tại là đủ. Chỉ loại trừ những điều bất khả thi. Ví dụ: không có cuốn sách nào có thể là một cái thang, mặc dù chắc chắn có những cuốn sách thảo luận và phủ định và chứng minh khả năng này cùng những khả năng khác có cấu trúc tương ứng với cấu trúc của một cái thang.
  4. Letizia Álvarez de Toledo nhận thấy rằng Thư viện vô biên này là vô dụng: nghiêm túc mà nói, chỉ một quyển là đủ, một quyển khổ thông thường, in cỡ chữ chín hoặc mười, chứa vô số lá mỏng đến vô hạn. (Vào đầu thế kỷ XVII, Cavalieri nói rằng tất cả các vật thể rắn đều là sự chất chồng vô số mặt phẳng.) Việc xử lý những vade mecum óng ánh này không được thuận tiện: mỗi trang ta nhìn thấy sẽ mở ra thành các trang tương tự khác; trang chính giữa – không thể tưởng tượng ra được – sẽ không có trang nghịch đảo.

* Bản gốc tiếng Tây Ban Nha ubicuo y perdurable sistema de galerías hexagonales gồm 7 từ. (Chú thích của người dịch.)

3V

Dịch từ The Library of Babel của Jorge Luis Borges, bản dịch của James E. Irby năm 1962, có tham khảo bản dịch của Andrew Hurley.